Văn

Bài 21: Chị em Thúy Kiều – Môn Ngữ văn – Lớp 9 – HOCMAI

Bài 21: Chị em Thúy Kiều

(Trích Truyện Kiều)

I. Kiến thức cần nhớ

1. Đoạn trích

– Vị trí nằm ở phần đầu của tác phẩm, kể về gia cảnh của nàng Kiều.

– Chủ đề đoạn trích: ngợi ca, đề cao vẻ đẹp tài năng, nhan sắc của Thúy Vân và Thúy Kiều.

– Nghệ thuật tả người sống động, điêu luyện, tinh tế với bút pháp ước lệ tượng trưng.

2. Nội dung

a. Giới thiệu chung về hai chị em Thúy Kiều

– Hình ảnh hai cô gái được Nguyễn Du miêu tả khái quát: Đầu lòng hai ả tốt nga.

– Thúy Kiều và Thúy Vân được tác giả miêu tả với hình dáng mảnh mai, cốt cách thanh cao, tinh thần như tuyết trắng.

– Câu thơ thứ 4, Nguyễn Du đã tổng kết lại vẻ đẹp của hai chị bằng việc nhấn mạnh vẻ đẹp riêng biệt nhưng đều là những vẻ đẹp toàn bích.

– Câu thơ thứ 2, tạo ấn tượng về nét riêng, khẳng định tình cảm của hai chị em gắn bó không rời.

b. Chân dung Thúy Vân

– Tác giả nêu ấn tượng chung về Thúy Vân, đó là vẻ đẹp cao sang, quý phái và trang nhã qua từng đường nét trên khuôn mặt của nàng.

– Nguyễn Du liệt kê những đặc điểm bằng thủ pháp so sánh, ẩn dụ lấy các hình ảnh tự nhiên làm thước đo cho vẻ đẹp của con người:

+ Khuôn mặt: như vầng trăng đầy đặn và tươi sáng.

+ Nét mày: như nét ngài, đậm nét.

+ Khóe miệng (khi cười): như đóa hoa, gợi lên sự tươi tắn.

+ Hàm răng (khi nói): trắng như ngọc, giọng nói trong sáng.

+ Mái tóc bồng bềnh, mượt mà.

+ Làn da trắng nhưu bông tuyết, mịn màng.

→ Tác giả đã miêu tả Thúy Vân một cách chi tiết và sống động làm cho hình ảnh của nàng hiện lên với vẻ đẹp hoàn hảo, phúc hậu, trẻ trung đầy sức sống. Qua đó, Nguyễn Du đã hàm ẩn sự dự báo về cuộc đời êm đềm.

c. Chân dung Thúy Kiều

* Vẻ đẹp nhan sắc:

– Tác giả sử dụng thủ pháp đòn bẩy, miêu tả vẻ đẹp của Thúy Vân làm nền để miêu tả vẻ đẹp của Thúy Kiều: Kiều càng sắc sảo mặn mà/ So bề tài sắc vẫn là phần hơn.

– Khi miêu tả đôi mắt Thúy Kiều, Nguyễn Du đã vẽ hồn chân dung cho nhân vật qua câu thơ: Làn thu thủy nét xuân sơn. Hình ảnh ẩn dụ gợi đôi mắt đẹp, sáng long lanh như nước mùa thu, đôi lông mày như dáng núi mùa xuân đã phản chiếu vẻ đẹp tâm hồn, chiều sâu của nội tâm nhân vật.

– Nguyễn Du đã dùng điển cố điển tích để cực tả vẻ đẹp của Kiều, vẻ đẹp của nàng làm nghiêng nước nghiêng thành, khiến cho thiên nhiên tạo hóa phải phát hờn, phát ghen.

* Vẻ đẹp tài năng:

Tác giả ngợi ca vẻ đẹp trong trí tuệ của nàng: Thông minh vốn sẵn tính trời. Ở nàng hội tụ đầy đủ vẻ đẹp cầm, kì, thi, họa. Nguyễn Du đã đặc tả tài gảy đàn của nàng: Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân, đã thể hiện tâm hồn đa sầu đa mang.

→ Bức chân dung Thúy Kiều qua ngòi bút của Nguyễn Du hiện lên mang vẻ đẹp sắc sảo, mặn mà của một cô gái đa sầu đa cảm, vẹn toàn cả sắc và tài.

II. Soạn bài

Bài 1.

– Đoạn thơ được kết cấu thành 3 phần :

+ 4 câu đầu: Giới thiệu chung về hai chị em Thúy Kiều.

+ 16 câu giữa: Miêu tả cụ thể từng người: Thúy Vân, Thúy Kiều.

+ 4 câu cuối: Nhận xét chung về cuộc sống của hai chị em.

– Kết cấu rõ ràng, hợp lí giúp người đọc cảm nhận chung về hai chị em, sau đó được tiếp xúc cụ thể với từng người và cuối cùng, ấn tượng chung về hai chị em được hiện lên trong cuộc sống phong lưu của họ nơi khuê phòng. Kết cấu này liên quan đến trình tự miêu tả của nhân vật: ở phần giữa là phần miêu tả cụ thể từng người, nhà thơ có thể miêu tả theo ý đồ nghệ thuật của mình. Ở đây, Thúy Vân được miêu tả trước, Thúy Kiều được miêu tả sau là một thủ pháp nghệ thuật quan trọng.

Bài 2.

Sử dụng nghệ thuật ước lệ tượng trưng của văn học trung đại, Nguyễn Du đã khắc họa vẻ đẹp phúc hậu, đoan trang của Thúy Vân: “Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang” : gương mặt đầy đặn như mặt trăng tròn, nét lông mày cong và đậm như nét con ngài. Từ đó, Nguyễn Du gợi mở tính cách của nhân vật: một cô gái nề nếp, khuôn phép, con nhà gia giáo trong xã hội phong kiến.

Bài 3.

Khi miêu tả nhan sắc của Kiều, Nguyễn Du cũng sử dụng hình tượng nghệ thuật mang tính ước lệ giống như khi tả Thúy Vân: lấy vẻ đẹp của thiên nhiên để gợi tả vẻ đẹp của con người. Tuy nhiên, trong cách tả ước lệ ấy vẫn có một số điểm khác nhau:

– Nếu Thúy Vân được tả nhiều bộ phận thì khi tả Thúy Kiều, Nguyễn Du chỉ tập trung miêu tả đôi mắt.

– Nếu miêu tả Thúy Vân còn có nét vẽ cụ thể (Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da) thì ở Thúy Kiều chỉ có nét vẽ khái quát (Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh).

Bài 4.

Bên cạnh vẻ đẹp hình thức, tác giả còn nhấn mạnh đến vẻ đẹp tài năng của Thúy Kiều. Tác giả chú ý nhấn mạnh tài năng cầm, kì, thi, họa của Kiều, trong đó giỏi nhất là đánh đàn tì bà. Kiều “thông minh vốn sẵn tính trời” cho nên không chỉ thuộc lòng năm nốt nhạc trong âm giai nhạc cổ mà còn sáng tác nhạc.

→ Thúy Kiều là một người con gái tài sắc vẹn toàn.

Bài 5.

Sắc đẹp của Thúy Vân là sắc đẹp đoan trang, phúc hậu; còn sắc đẹp của Thúy Kiều là sắc đẹp sắc sảo, mặn mà. Hai sắc đẹp ấy dẫn đến hai số phận khác nhau. Nguyễn Du tả vẻ đẹp Thúy Vân: “Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da” tức thiên nhiên phải cúi đầu, chịu nhường trước vẻ đẹp của nàng; và số phận nàng bình ổn, phẳng lặng. Còn vẻ đẹp của Thúy Kiều: “Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh” – đẹp đến mức thiên nhiên phải ghen, phải hờn; từ đó, Nguyễn Du dự báo trước số phận long đong, chìm nổi, nhiều sóng gió của Kiều trong những chặng đường sau.

Bài 6.

Rõ ràng, bức chân dung Thúy Kiều nổi bật hơn. Nếu Nguyễn Du chỉ dùng bốn câu thơ để tả Thúy Vân thì ông lại dùng đến 12 câu thơ để tả Thúy Kiều. Nếu nhà thơ chỉ tả nhan sắc Thúy Vân thì ở Thúy Kiều, ông tả cả tài sắc, và cái tài lại được tả kĩ hơn. Đồng thời, để cho bức chân dung Kiều càng nổi bật, Nguyễn Du càng khéo léo sử dụng nghệ thuật đòn bẩy.

Phương Anh

Phương Anh là một độc giả trên website: https://thcshiephoa.edu.vn/ chuyên về lĩnh vực giáo dục và thông tin hữu ích. Cô ấy rất đam mê học hành và luôn tìm kiếm những kiến thức mới để nâng cao trình độ của mình. Với sự tò mò và ham học hỏi, Phương Anh luôn đọc và tìm hiểu những thông tin mới nhất về các chủ đề liên quan đến giáo dục, sức khỏe và cuộc sống. Cô ấy mong muốn chia sẻ những kiến thức hữu ích của mình để giúp đỡ những người khác có thể học hỏi và phát triển bản thân một cách tốt nhất.

Related Articles

Back to top button