Văn

Gợi ý soạn ngữ văn 8 bài Trường từ vựng – Kiến Guru

Trong bài viết hôm nay Kiến Guru sẽ cùng các bạn sẽ cùng tìm hiểu và nắm bắt vững kiến thức về một khái niệm mới đó là trường từ vựng. Qua Soạn ngữ văn 8 bài trường từ vựng này, các bạn hiểu biết nhiều hơn về sự phong phú, đa dạng của từ ngữ và có phần chuẩn bị bài khi lên lớp hiệu quả hơn.

Mời các bạn cùng đọc gợi ý tham khảo chi tiết dưới đây!

soan ngu van 8 bai truong tu vung

Thế nào là Trường từ vựng

Để hiểu về trường từ vựng, chúng ta sẽ cùng khám phá định nghĩa qua các phần ví dụ cụ thể và làm những bài tập áp dụng để hiểu rõ bài hơn:

1, Trường từ vựng là gì:

  • Các từ in đậm trong đoạn trích: mặt, mắt, da, gò má, đùi, đầu, cánh tay, miệng. Những từ này có nét chung về nghĩa là đều nói về các bộ phận trên cơ thể con người.

Qua ví dụ trên ta có thể hiểu, trong thuật ngữ trường từ vựng, có thể hiểu trường là một tập hợp (khái niệm trường được mượn của các ngành khoa học tự nhiên, xuất hiện trong các tập hợp từ như: trường hấp dẫn, trường điện từ…), từ vựng chỉ các từ trong một ngôn ngữ (ở đây là tiếng Việt).

Như vậy, trường từ vựng là tập hợp của những từ căn cứ vào một nét đồng nhất (nét chung) nào đó về nghĩa.

Một số ví dụ khác:

  • Trường từ vựng “động vật” gồm các từ: trâu, bò, lợn, gà, dê, khỉ; trống, mái; mõm, đuôi; phi, lồng, …
  • Trường từ vựng về “biển”: bờ biển, eo biển; bão biển, sóng thần; hải âu, sò huyết, …

2, Lưu ý và đặc điểm:

Mỗi một loại từ, hay trường từ vựng đều sẽ có những đặc điểm cần chú ý. Dưới đây là những lưu ý cũng như đặc điểm của trường từ vựng:

  • Một trường từ vựng có thể bao gồm có nhiều trường từ vựng nhỏ hơn

Ví dụ tham khảo: Trường từ vựng của ‘‘cây’’:

  • Bộ phận cây: thân, lá, hoa, quả, rễ
  • Đặc điểm cây: to, nhỏ, non,…
  • Đặc điểm sinh trưởng: nhanh, chậm, sinh sôi, phát triển
  • Một trường từ vựng có thể bao gồm những từ khác biệt nhau về từ loại (danh từ, động từ, tính từ)

Ví dụ tham khảo: Từ loại trong trường từ vựng ‘‘cây’’

  • Danh từ: lá, thân, hoa
  • Động từ: sinh sôi, phát triển
  • Tính từ: to, nhỏ,…
  • Do hiện tượng nhiều nghĩa, một từ có thể thuộc nhiều trường từ vựng khác nhau

Ví dụ tham khảo:

Ngọt → trường mùi vị (cùng trường với cay, đắng, chát, thơm,..)

→ trường âm thanh (cùng trường với the thé, êm dịu, chối tai,…)

→ trường thời tiết (trong rét ngọt, cùng trường với hanh, gió, ẩm,..)

  • Trong thơ văn cũng như trong cuộc sống hằng ngày, người ta thường dùng cách chuyển trường từ vựng để tăng thêm tính nghệ thuật của ngôn từ và khả năng diễn đạt (phép nhân hóa, ẩn dụ, so sánh,…)

Ví dụ về đoạn trích ‘‘Lão Hạc’’ – Nam Cao → trường từ vựng ‘‘người’’ được chuyển sang trường từ vựng ‘‘thú vật’’ để nhân hoá, làm tác phẩm thêm phần đặc sắc và ấn tượng.

Luyện tập

Sau khi đã nắm được một lượng kiến thức đầy đủ về trường từ vựng, chúng ta sẽ đi vào phần luyện tập để kiến thức được ghi nhớ và vận dụng tốt nhất.

1 – Bài 1 (trang 23 SGK Văn 8)

Trong văn bản ‘‘Trong lòng mẹ’’ của tác giả Nguyên Hồng, những từ thuộc trường từ vựng ‘‘người ruột thịt’’ gồm: thầy, mẹ, em, mợ, cô, cháu, em bé, anh, em, con, bà, cậu

2 – Bài 2 (trang 23 SGK Văn 8)

Đặt tên cho trường từ vựng trong mỗi dãy từ dưới đây:

a, lưới, nơm, câu, vó: dụng cụ đánh bắt thuỷ sản

b, tủ, rương, hòm, vali, chai, lọ: dụng cụ để chứa đựng

c, đá, đạp, giẫm, xéo: hoạt động của chân

d, buồn, vui, sợ hãi, phấn khởi: trạng thái của con người

e, hiền lành, độc ác, cởi mở: trạng thái tâm lý con người

g, bút máy, bút bi, phấn, bút chì: dụng cụ để viết

3 – Bài 3 (trang 23 SGK Văn 8)

Các từ in đậm trong đoạn văn trên: hoài nghi, khinh miệt, ruồng rẫy, thương yêu, kính mến, rắp tâm. Những từ thuộc trường từ vựng về tình cảm, thái độ của con người.

4 – Bài 4 (trang 23 SGK Văn 8)

Xếp các từ: mũi, nghe, tai, thính, điếc, thơm, rõ vào đúng trường từ vựng theo bảng dưới đây:

Khứu giác Thính giác mũi, thơm, thính, điếc tai, nghe, điếc, thính, rõ

5 – Bài 5* (trang 23 SGK Văn 8)

Từ ‘‘lưới’’ thuộc trường từ vựng:

  • Dụng cụ đánh thuỷ hải sản
  • Phương án bao vây bắt người (lưới phục kích, lưới mật thám); đồ dùng cho chiến sĩ
  • Các hoạt động săn bắt của con người
  • Dụng cụ chơi thể

Từ ‘‘lạnh’’ thuộc trường từ vựng:

  • Nhiệt độ, thời tiết (rét, buốt, cóng, tê,..)
  • Màu sắc, sắc tố (màu lạnh), tính chất của thực phẩm
  • Tính cách, thái độ (lạnh lùng, lạnh nhạt,..)

Từ ‘‘tấn công’’ thuộc trường từ vựng:

  • Hành động bạo lực (tấn công, phòng thủ,..)
  • Hoạt động trong thể thao, hoặc trên chiến trường (phản công, tổng tấn công)

6 – Bài 6 (trang 23 SGK Văn 8)

Trong đoạn thơ, tác giả đã chuyển các từ in đậm sang các trường từ vựng như sau:

Các từ: chiến , vũ khí, chiến sĩ → thuộc trường từ vựng về quân sự, chiến trường → được chuyển sang trường từ về nông nghiệp.

Từ đó có thể hiểu rằng nông nghiệp cũng là một mặt trận và những người nông dân cũng là những chiến sĩ chiến đấu trên mặt trận, thúc đẩy tinh thần miệt mài lao động.

7 – Bài 7 (trang 24 SGK Văn 8)

Viết đoạn văn có ít nhất năm từ cùng trường từ vựng ‘‘trường học’’ hoặc trường từ vựng ‘‘môn bóng đá’’

*Ví dụ tham khảo*

  • Trường từ vựng ‘‘trường học’’

Lại một kì nghỉ hè bắt đầu, khung cảnh sân trường sao thật khác mọi ngày đến lạ thường. Không còn tiếng đùa nô, cười gọi của các bạn học sinh mỗi giờ ra chơi. Các lớp học cũng đóng cửa trở nên im ắng, tạm xa tiếng sách vở lật khe khẽ của các bạn, tiếng phấn của thầy cô viết nhè nhẹ trên bảng giảng bài. Có lẽ khoảng thời gian này, sân trường chỉ có thể được lấp đầy bởi ánh nắng ngập tràn cùng tiếng ve râm ran của mùa hạ. Chắc chắn các bạn học sinh và thầy cô rất vui mừng để quay trở lại một bầu không khí rộn ràng, chào đón để chuẩn bị cho một kì học mới đạt nhiều thành tích cao.

  • Trường từ vựng ‘‘môn bóng đá’’

Trong hầu hết các môn thể thao, bóng đá được coi như là một bộ môn được mọi người quan tâm và ưa thích nhất. Chiều chủ nhật vừa qua, lớp em đã tổ chức một trận đấu giao lưu với các lớp cùng khối với nhau. Trận đấu giữa lớp em và lớp 8A diễn ra vô cùng gây cấn và hấp dẫn. Mỗi đội gồm có 10 cầu thủ và trọng tài thổi còi bắt đầu 90 phút thi đấu. Trái bóng lăn nhanh qua đôi chân các cầu thủ và tiến sát về khung thành của thủ môn. Những giây phút đó khiến chúng em cảm thấy thật hồi hộp chờ đợi kết quả. Tiếng hò reo, cổ vũ trên khán đài của khán giả khiến các cầu thủ hăng hái thi đấu hơn. Và không phụ lòng tin của các bạn, đội tuyển của lớp em đã dành chiến thắng vang dội với tỉ số 2-0. Qua trận đấu, chúng em cảm thấy yêu hơn môn “thể thao vua” này, vì không chỉ giúp chúng ta rèn luyện sức khỏe mà còn tăng thêm tinh thần giao lưu, đoàn kết giữa các bạn học sinh trong trường.

Các nội dung lý thuyết liên quan khác

Phân biệt Trường từ vựng và Cấp độ khái quát của nghĩa từ ngữ:

Trường từ vựng Cấp độ khái quát của nghĩa từ ngữ Là một tập hợp những từ có ít nhất một nét chung về nghĩa

Trong đó các từ có thể khác nhau về từ loại.

Là một tập hợp các từ có quan hệ so sánh về phạm vi nghĩa rộng hay hẹp, Trong đó các từ phải cùng từ loại. Ví dụ: Trường từ vựng về ‘‘cây’’

  • Bộ phận cây: thân, rễ, cành,… (danh từ)
  • Hình dáng của cây: cao, bé, thấp,.. (tính từ)

Ví dụ:

  • Bàn > bàn gỗ, bàn đá, bàn nhôm (danh từ)
  • Nhìn > liếc, ngắm, nhòm, ngó,… (động từ)

Kết luận

Trên đây là bài soạn ngữ văn 8 trường từ vựng. Qua bài học này, Kiến Guru rất mong các bạn có thể áp dụng được kiến thức trong các bài tập và chuẩn bị thật tốt bài học của mình.

Ngoài ra, để mở rộng thêm phần lý thuyết các bạn có thể tham khảo những bài gợi ý soạn văn tại đây.

Phương Anh

Phương Anh là một độc giả trên website: https://thcshiephoa.edu.vn/ chuyên về lĩnh vực giáo dục và thông tin hữu ích. Cô ấy rất đam mê học hành và luôn tìm kiếm những kiến thức mới để nâng cao trình độ của mình. Với sự tò mò và ham học hỏi, Phương Anh luôn đọc và tìm hiểu những thông tin mới nhất về các chủ đề liên quan đến giáo dục, sức khỏe và cuộc sống. Cô ấy mong muốn chia sẻ những kiến thức hữu ích của mình để giúp đỡ những người khác có thể học hỏi và phát triển bản thân một cách tốt nhất.

Related Articles

Back to top button